Ba điều cần nhớ khi mua bán xe cũ để tránh vướng pháp lý
Việc mua xe cũ có thể là một lựa chọn tài chính hợp lý cho những người đang tìm kiếm một chiếc xe với giá thành hợp lý. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua xe cũ, người mua cần phải tìm hiểu kỹ về các quy định pháp luật liên quan đến việc mua bán xe cũ. Đồng thời cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết khi mua bán xe để tránh các rủi ro pháp lý.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những điều cần lưu ý khi mua bán xe cũ để tránh các vấn đề pháp lý khó khăn cho hai bên sau này.
1. Yêu cầu chủ cũ cung cấp giấy tờ mua bán
Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe đã chuyển chủ nhiều lần nhưng thiếu giấy tờ chuyển quyền sở hữu chỉ được đăng ký, sang tên trước ngày 31/12/2021.
Như vậy đồng nghĩa với việc cơ quan đăng ký xe sẽ không giải quyết sang tên cho người mua nếu không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu hợp pháp từ người đứng tên.
Đặc biệt khi xe cũ được mua bán qua nhiều đời, người mua cần yêu cầu bên bán cung cấp giấy tờ mua bán, tặng cho hợp pháp giữa họ và các chủ cũ của xe.
Yêu cầu này không chỉ giúp người mua dễ dàng thực hiện thủ tục sang tên xe mà còn giúp xác định chính xác nguồn gốc của xe, tránh tình trạng mua phải xe lậu hoặc xe có liên quan đến các hoạt động phạm tội.
2. Hợp đồng được lập phải có công chứng, chứng thực với bên bán
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA, giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe là một trong những giấy tờ quan trọng để làm thủ tục sang tên xe.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 8 Thông tư 58 cũng quy định về giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, gồm:
a) Hoá đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật;
b) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Như vậy giữa người mua và người bán phải có giấy tờ mua bán được công chứng hoặc chứng thực.
Nơi có thể thực hiện công chứng mà hai bên mua bán có thể đến chứng thực hợp đồng mua bán xe là:
– Văn phòng công chứng
– Phòng công chứng
– Ủy ban nhân dân cấp xã
Những nơi trên là nơi có thể chứng thực, công chứng hợp đồng mua bán xe.
Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng, các bên cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Phiếu yêu cầu công chứng.
– Dự thảo hợp đồng mua bán xe (nếu có).
– Giấy tờ tùy thân của bên mua và bên bán: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu có)…
– Giấy tờ xe: Đăng ký xe, đăng kiểm xe (áp dụng với ô tô)…
3. Trong 30 ngày kể từ khi có hợp đồng phải sang tên xe
Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã quy định rõ trách nhiệm của chủ xe sau khi mua xe như sau:
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Sau khi ký hợp đồng mua bán, người mua xe cũ phải thực hiện việc đăng ký xe trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua. Nếu quá thời hạn này, chủ xe sẽ bị xử phạt vì không thực hiện đúng quy định về việc đăng ký chuyển quyền sở hữu xe từ người bán sang người mua.